Nông sản Việt chịu tác động gì từ cuộc chiến Nga - Ukraine?

Tháng 03, 2022
Cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy giá thành một số mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam lên cao, trong đó có thủy sản, phân bón.

 Liên quan tình hình xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, cũng như các động thái trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngân hàng của Nga, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng, trước tiên Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

(Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam, cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. 

Ảnh có tính chất minh họa.)

“Trong ngắn hạn, việc xảy ra xung đột vũ trang sẽ ảnh hưởng nhiều đến cả việc chúng ta xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định.

Liên quan vấn đề việc Mỹ và Ủy ban châu Âu, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý vừa chính thức thông báo sẽ loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT hay có thể hiểu là cấm các ngân hàng này tham gia các giao dịch quốc tế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng các giao dịch trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn.

Do đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xung đột vũ trang nổ ra giữa Nga và Ukraina sẽ tác động tới nền kinh tế của Việt Nam theo cả hai hướng tiêu cực và tính cực, trong đó tác động tiêu cực sẽ chiếm phần lớn do các yếu tố lạm phát, giá xăng dầu tăng, xã hội cũng như cộng đồng người Việt tại Nga gặp bất ổn…

“Nói riêng về lĩnh vực thủy sản, một điều có thể chắc chắn đó là nhu cầu của Nga sẽ không giảm, thậm chí sẽ tăng lên. Tuy nhiên sẽ có khó khăn về phương thức thanh toán vì nguồn ngoại hối, ngoại tệ, cụ thể là đồng đô la Mỹ của họ bị thiếu. Ngoài ra nếu thanh toán qua hình thức liên ngân hàng sẽ bị gián đoạn, mất kết nối. Đó là 2 khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.

 

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung dẫn đến nhu cầu về nông sản tăng lên sẽ là cơ hội cho Việt Nam: “Chắc chắn một số nơi sẽ xảy ra hạn chế trong việc cung ứng, đồng thời nguồn cung cũng sẽ kém đi do căng thẳng do chiến sự xảy ra. Chính vì vậy nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sẽ tăng lên”.

(TS. Nguyễn Minh Phong: Nhu cầu nông sản của Nga sẽ không giảm, thậm chí sẽ tăng lên. Ảnh: Tùng Đinh.)

Một cơ hội nữa, vị chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Việt Nam có thể linh hoạt đồng ý thay đổi phương thức thanh toán của nước bạn thì chúng ta có thể bán được nông sản với giá cao hơn. Những cơ hội xuất hiện trên thị trường rất nhanh và chỉ trong một thời gian ngắn, nếu khéo léo nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam sẽ thu được nguồn lợi không nhỏ.

Đánh giá thêm về thị trường Nga, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga là một mối quan hệ chiến lược lâu dài, sẽ không bị ảnh hưởng, ngắt quãng bởi những mối quan hệ khác. Sự kiện xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina sẽ chỉ làm giao thương xuất nhập khẩu của hai bên chậm lại đôi chút chứ không làm đứt gãy hoàn toàn.

Bên cạnh đó, thị trường Nga là một thị trường rất rộng lớn, nhu cầu về nông sản rất cao, đặc biệt là vào mùa đông. Yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu mà thị trường Nga đưa ra không cao như thị trường Tây Âu. Nông sản của Việt Nam cũng đang ngày càng được nâng cao sức cạnh tranh.

“Những yếu tố đó, cộng với việc chúng ta có số lượng doanh nghiệp lớn, sẽ là những thuận lợi để nông sản Việt có thể mở rộng hiệu quả tại thị trường Nga, thậm chí tiến tới việc tổ chức sản xuất ngay tại nội địa Liên bang Nga”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.

Hàng sang Nga "tắc" do không có chuyến bay

Ở góc độ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, việc xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Nga thì ngay khi xảy ra giao tranh, các đơn hàng của thị trường này đã phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển. Ngoài ra, việc dừng đơn hàng, không có chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp không xây dựng được cước cho đơn hàng của các đối tác.

“Hiện nay, chúng tôi đang xuất khẩu xoài và một số rau củ, trái cây cấp đông sang thị trường Nga. Khi xảy ra giao tranh, các chuyến bay bị ảnh hưởng nên chúng tôi không thể làm cước cũng như vận chuyển hàng hóa đến thị trường này”, bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, việc Mỹ và Ủy ban châu Âu, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý vừa chính thức thông báo sẽ loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT - một cách dễ hiểu là cấm các ngân hàng này tham gia các giao dịch quốc tế - cũng gây ra một số lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu như Ameii.

Cụ thể, bà Ngô Thị Thu Hồng cho rằng việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia giao dịch quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp xuất khẩu. “Điều này có thể gây lo ngại và ảnh hưởng đến những đơn hàng trong thời gian tới của chúng tôi”, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hồng nói điều mong muốn nhất hiện nay là tình hình sớm bình ổn để có thể phát triển kinh tế, tiếp tục phát triển các đơn hàng xuất khẩu cho thị trường Nga. Theo bà, khi xảy ra bất ổn như hiện nay thì sẽ có nhiều bên bị ảnh hưởng, trong đó có các đơn vị xuất khẩu nông sản sang Nga như Ameii.

(Nguồn: https://nongnghiep.vn/nong-san-viet-chiu-tac-dong-gi-tu-cuoc-chien-nga--ukraine-d316791.html)

"Bạn cũng có thể đọc..."

Copyright © 2018 AMEII CO.,LTD. All Rights Reserved