(Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sức sáng tạo của người dân được tích hợp vào nông sản cộng hưởng với giá trị lịch sử, văn hóa địa phương sẽ tạo ra những sản phẩm không thể định giá)
Một buổi chiều trung tuần tháng 2.2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với tác phong dân dã đã về tận xã vùng xa Bạch Đằng (Kinh Môn) để nói về quan điểm xây dựng nông thôn mới và kinh nghiệm tái cơ cấu nông nghiệp. Phóng viên Báo Hải Dương tháp tùng Bộ trưởng đã ghi lại cuộc nói chuyện giàu cảm xúc này.
Khi tôi viết "Câu chuyện Hải Dương", tôi đã dành 1 tuần để tìm hiểu về mảnh đất, con người cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử tỉnh Đông. Lần này, khi tham dự sự kiện quảng bá nông sản của tỉnh, cảm xúc trong tôi lại đong đầy, là động lực để tôi nghiên cứu sâu, kỹ hơn về nơi đây.
Rồi sao nữa?
Đất đai Hải Dương có thể manh mún nhưng không chấp nhận tư duy sản xuất nông nghiệp của người Hải Dương lại manh mún. Đây là câu nói đơn giản song kết tinh mọi vấn đề của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nhưng nếu biết cách, lễ hội nhỏ sẽ lan toả lớn ra, từ một điểm sẽ rộng ra cả tỉnh. Từ củ cà rốt sẽ lan toả ra củ hành, củ tỏi, con rươi, quả vải và nhiều nông sản khác. Tôi biết rằng, nhiều khách mời tham dự Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 sẽ cảm thấy không có gì lớn lao. Dựng một cái bạt, mời vài nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, tổ chức cuộc thi thì ai, ở đâu cũng có thể làm được. Điều này làm tôi liên tưởng tới câu chuyện quả trứng của Colombus, nhà thám hiểm tìm ra châu Mỹ. Hồi học lớp 5 ở trường làng, Colombus đã đố các bạn làm sao dựng đứng quả trứng mà không cần vật gì chêm vào. Khi ai nấy đều lắc đầu thì Colombus đã đập dập phần đầu của quả trứng và dựng thẳng lên. Các bạn lúc đó cho rằng đơn giản vậy ai chẳng làm được thì Colombus hỏi lại: "Sao đơn giản vậy mà các bạn không làm được?". Câu chuyện tôi muốn chia sẻ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hay nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đều nằm trọn vẹn trong Lễ hội thu hoạch cà rốt mà Hải Dương vừa tổ chức.
(Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (đứng thứ ba từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống cánh đồng bà con đang thu hoạch hành tỏi ở thị xã Kinh Môn)
Ngày xưa, nông dân làm nông nghiệp theo tư duy tạo ra sản lượng nhiều, dùng mọi biện pháp để cố làm ra nhiều sản phẩm. Tuy nhiên đến một ngày sẽ phát hiện ra hai vấn đề. Một là, sản lượng nhiều không đồng nghĩa với thu nhập, giá trị tăng thêm cao khi mà được mùa, mất giá là quy luật muôn đời. Hai là, với trình độ khoa học - công nghệ ngày càng cao, năng suất rồi sẽ chạm ngưỡng. Nông dân, nhà quản lý Hải Dương có bao giờ băn khoăn liệu có thể tăng năng suất cà rốt lên bao nhiêu trên cùng một đơn vị diện tích? Rồi một ngày, Hải Dương trên con đường phát triển công nghiệp cũng sẽ chuyển một phần đất nông nghiệp để làm đô thị, hạ tầng, khu công nghiệp. Tư duy sản lượng là tư duy nhìn thấy được từ diện tích đất đai, từ cái hữu hình. Đó là sản xuất nông nghiệp, còn kinh tế nông nghiệp phải cộng hưởng từ cái hữu hình và những thứ vô hình. Cái hữu hình sẽ hữu hạn như đất đai, tài nguyên, năng suất cũng hữu hạn. Nếu đã tới hạn thì không chỉ nông nghiệp Hải Dương mà nền nông nghiệp cả nước sẽ tăng trưởng dựa trên cái gì? Phải bằng những giá trị vô hạn. Tôi dành tặng cũng như gửi gắm tới lãnh đạo Hải Dương định hướng phát triển nông nghiệp chỉ với 3 chữ "rồi sao nữa". Năm nay, cà rốt cho giá trị 200 triệu đồng/ha "rồi sao nữa", có cách nào để lên 250 triệu đồng/ha?
Tôi có cơ hội được tham quan, trải nghiệm nhiều di tích lịch sử ở Nhật Bản. Dịp cuối tuần, người dân thường ghé vào đây thờ thần đạo rồi mua 5-7 sản phẩm nông sản mang về. Nông sản ở đây không khác gì của Hải Dương, cũng là hành tỏi, cải bắp nhưng lại được chế biến, đóng gói vô cùng tinh tế. Người mua không ai mặc cả, bán như vậy là bán cả những giá trị vô hình mà đã là vô hình thì người ta không còn quan tâm tới giá cả. Tôi cũng ấn tượng với một sản phẩm kết hợp giữa tổ yến Việt Nam và hồng sâm Hàn Quốc. Không bàn đến sự tiện lợi khi sản phẩm được đóng vào gói nhỏ, đi đâu làm gì cũng có thể sử dụng được thì câu chuyện đằng sau mới thu hút khách hàng. Doanh nghiệp này đã kể một câu chuyện, đúc kết lại tổ yến là tấm lòng của người mẹ, còn hồng sâm là tấm lòng người cha. Do đó sản phẩm trên có sự hòa trộn, sự trân quý trọn tình mẹ cha. Khi khách hàng bị cảm xúc chi phối sẽ không còn đong đếm về giá cả.
Tôi đã tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Hải Dương nên tôi khẳng định Hải Dương hoàn toàn có thể làm ra được những sản phẩm nông nghiệp mang nhiều giá trị và nông dân sẽ bán giá trị chứ không bán giá cả nông sản. Sức sáng tạo của người dân được tích hợp vào nông sản cộng hưởng với giá trị lịch sử, văn hóa, địa phương sẽ tạo ra những sản phẩm không thể định giá. Trước mọi người hay nghĩ nông sản là lương thực, thực phẩm còn hiện tại khách hàng không những ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và bằng cảm xúc. Và du lịch nông thôn sẽ khởi đầu cho hành trình tích hợp đa giá trị nông sản.
Những điều tôi chia sẻ ở trên không phải cứ "vẽ" ra là sẽ thành công. Làm có thể 50% thành công, 50% thất bại nhưng nếu không làm thì 100% thất bại. Nếu chỉ bán cái hữu hình, trông mong vào may rủi thì nông nghiệp, nông dân, nông thôn mãi sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Không thể cứ mãi đánh đồng nông nghiệp là thời tiết, là dịch bệnh, là thị trường. Nếu biết cách vượt qua, biết cách giảm rủi ro bằng những giá trị thay thế thì nông nghiệp sẽ không còn bị đeo đẳng bởi lời nguyền được mùa, mất giá; được giá, mất mùa. Từ đó, nông dân sẽ không còn lặng lẽ, đơn độc và buồn tẻ với công việc đồng áng lặp đi lặp lại một cách đơn điệu.
(Bộ trường Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham quan sơ chế cà rốt của Công ty Cổ Phần Ameii Việt nam)
Nông nghiệp đa giá trị
Đã đến lúc phải làm sống lại nền nông nghiệp, thức tỉnh nông dân và đổi mới nông thôn bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Cũng trên cánh đồng đó, với những người nông dân đó nhưng phải có sự trao đổi. Người đô thị đổ dồn về, đem đến sự văn minh, kích hoạt nông dân năng động hơn. Và đổi lại, người đô thị sẽ được tận hưởng không khí trong lành của làng quê, lấy lại cảm xúc tự nhiên và tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn. Lúc đấy, nông dân sẽ văn minh, hoạt bát, năng động hơn. Ngày trước, khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, tôi xúi một vài người dân làm du lịch từ cây xoài. Ban đầu tôi cũng thấy lo nhưng khi hỏi nông dân sau một thời gian thực hiện thì họ nói thu nhập không những được tăng thêm mà còn đem đến cảm giác phấn chấn. Ngày xưa, người dân tối ngày, quanh năm suốt tháng quanh quẩn đồng áng, giờ có khách tới giao lưu, học hỏi. Làm du lịch, họ thấy mình hiểu biết hơn, thông minh hơn, hàng xóm, láng giềng cũng vui vẻ, hòa thuận hơn. Theo tôi, đây chính là nông thôn đáng sống.
Khẩu hiệu phát triển nông nghiệp của Hàn Quốc là "Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai" rất đáng để học tập. Người dân ở thành phố trước áp lực công việc sẽ muốn trở về với những nơi tĩnh lặng, tự nhiên để cân bằng cảm xúc. Nông dân phải tạo ra môi trường sống như thế, có như vậy nông nghiệp mới chắc thắng. Du lịch nông nghiệp cũng sẽ giáo dục thế hệ mai sau tìm về cội nguồn, hiểu được những vất vả của nghề nông. Biết đâu, trong số lớp trẻ sẽ có người theo đuổi nông nghiệp. Biết đâu sẽ có đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Kinh Môn sẽ sáng chế máy thu hoạch hành tỏi để bố mẹ, ông bà bớt vất vả. Đó là những giá trị không thể đo đếm được. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải hòa quyện vào nhau và nông dân phải thật sự nổi bật trong các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tôi được lãnh đạo thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương giới thiệu về củ sắn dây có trọng lượng lên tới 15-16 kg. Nhưng nếu là chính người sản xuất ra củ sắn dây đó giới thiệu thì cảm xúc đã khác và câu chuyện cũng khác. Tôi mong mỏi một ngày nào đó, nông dân không chỉ bán nông sản mình làm ra mà còn bán cả hình ảnh của mình. Trên túi bột sắn dây, ngoài thông tin sản phẩm, nếu in hình người nông dân sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa. Nó như một lời khẳng định: "Tôi làm ra nông sản đó, tự hào về nông sản đó và có trách nhiệm với sản phẩm đó". Chỉ cùng một sản phẩm nhưng thay đổi cách bán sẽ tạo ra thu nhập gấp đôi, gấp ba. Cái tăng này cao hơn nhiều so với tăng năng suất vì khách hàng không còn quan tâm tới trả giá, mặc cả.
Hai khái niệm tôi nghĩ phải thay đổi trong phát triển nông nghiệp. Đó là chính, phụ. Nông sản chính quan tâm, nông sản phụ bỏ qua. Và lớn, nhỏ. Cái lớn xem trọng, cái nhỏ chỉ là thứ yếu. Thế nhưng nếu lớn, chính mà không đổi mới, sáng tạo thì chưa chắc đã vượt qua được nhỏ, phụ. Nông nghiệp Hàn Quốc còn nhỏ hơn nước ta song giá trị lại cao hơn ta nhiều lần. Do đó, nếu tự bằng lòng thì sẽ bị vượt qua. Vì thế, nông nghiệp không cần đứng nhất, đứng nhì mà phải tạo ra sự khác biệt. Lúc đầu, tôi vẫn nghĩ gạo nếp cái hoa vàng là của Ninh Bình, sang Thái Bình cũng được giới thiệu nếp cái hoa vàng ở đây ngon nhất, rồi tới Nam Định cũng vậy. Và khi tới Hải Dương, tôi có thể khẳng định gạo nếp cái hoa vàng ngon nhất phải gắn liền với địa danh, với câu chuyện văn hóa, lịch sử. Chúng ta phải thổi hồn vào nông sản. Cũng là củ cà rốt nhưng để trên bao dứa bán vỉa hè giá khác, rửa sạch giá khác, đặt ở vị trí sang trọng giá khác, được chế biến giá khác, xây dựng thương hiệu giá khác và kể thêm một câu chuyện giá cũng sẽ khác. Chính bản thân tôi khi chia sẻ những điều này cũng là đang bán cà rốt, hành tỏi cho Hải Dương. Tỉnh hoàn toàn có thể viết những câu chuyện cho nông sản để mỗi khi được hỏi tới, nông dân có thể thao thao bất tuyệt kể về cà rốt, hành tỏi một cách đầy tự hào. Du lịch nông nghiệp không phải đại công trường, tổ hợp công trình đồ sộ nhưng sẽ lan tỏa nhẹ nhàng trên từng cánh đồng rồi tới cộng đồng dân cư. Khi nông dân thấy vui, nhiều cảm xúc thì năng suất làm việc cũng sẽ cao hơn. Phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là niềm tự hào, trách nhiệm với quê hương. Thấm nhuần tư tưởng này, nông nghiệp sẽ phát triển. Chuyển động nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham dự Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022)
Đối với nông thôn mới, chúng ta vẫn hô khẩu hiệu chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Không cần hoa mỹ như vậy, tôi nghĩ chỉ cần trả lời "rồi sao nữa". Tôi cũng đề nghị Hải Dương suy nghĩ thoáng hơn, rộng hơn vấn đề này, không giáo điều, câu nệ. Nông thôn mới là hình ảnh người nông dân đứng trên cánh đồng, cầm sản phẩm làm ra cười mãn nguyện. Không cần những khẩu hiệu truyền thống mà phải có những câu nói đi vào lòng người để mọi người thấy lạc quan, yêu đời. Từ đó hình thành nên những làng thông minh, làng hạnh phúc. Thông minh nhất của làng thông minh là nông dân bằng công cụ thông minh tự kết nối với nhau, vượt qua không gian làng, xã. Còn hạnh phúc là khi người dân tăng thu nhập, đời sống tinh thần nâng cao, mọi người vui vẻ. Có như vậy, nông thôn sẽ không còn lặng lẽ, mọi người đối xử với nhau đầy nhân ái, nghĩa tình.
Có ba yếu tố để thành công và giàu có là thiên, địa, nhân. Thiên, địa sẽ tới ngưỡng còn nhân là vô cùng. Nhân là con người, là cộng đồng dân cư đoàn kết, hòa thuận. Nếu không hợp tác, không chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày thì không thể hợp tác, sản xuất, không thể có các HTX nông nghiệp mạnh. Muốn có niềm tin, sự chia sẻ phải có không gian cộng đồng. Các nhà văn hóa thôn, khu dân cư phải mở cửa để chào đón nông dân tới sinh hoạt, nói chuyện rồi từ đó lồng ghép nhiều vấn đề khác.Nếu để đèn nhà ai nấy rạng thì đó chính là bi kịch.