Nông sản Hải Dương hướng tới thị trường xuất khẩu

Tháng 03, 2022
Câu chuyện “được mùa rớt giá” của nông sản Việt có lẽ còn cần nhiều thời gian nữa mới có lời giải. Tuy nhiên, thay vì trông chờ sự điều chỉnh của Trung ương, nhiều địa phương đã đồng hành và chủ động cùng người dân, doanh nghiệp… quy hoạch, tổ chức sản xuất và tìm đường tiêu thụ ở những thị trường khó tính, giá trị cao. Hải Dương là một ví dụ.

 Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong nhóm nông sản chủ lực, ngoài nhóm rau đậu thực phẩm với diện tích 31.100ha, sản lượng trên 720.000 tấn thì trái cây cũng là hàng hóa có tiếng lâu nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh đã hình thành và mở rộng vùng trồng cây ăn quả đặc sản lên 21.000ha, trong đó riêng vải chiếm 50% diện tích (10.000 ha) ở huyện Thanh Hà. “Năm 2020 quả vải Hải Dương đã xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng đằng sau đó là hành trình tới 5 năm với hàng chục lần đàm phán, xem xét, điều chỉnh. Trực tiếp Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản phải đưa nhà nhập khẩu của Nhật Bản về Việt Nam kiểm tra thực tế, tận mắt nhìn thấy vườn vải, cách canh tác của nông dân. Đó là một quá trình không hề dễ dàng”, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

(Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương trên kệ bày bán ở Nhật Bản)

Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - doanh nghiệp được ngành nông nghiệp lựa chọn trở thành đơn vị xuất khẩu trái vải thiều sang Nhật vẫn rất lo lắng mỗi khi nhắc đến thị trường Nhật Bản. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khắc Tiến đặt vấn đề: Yêu cầu duy nhất của thị trường này là chất lượng, chất lượng và… chất lượng. Cả thế giới nói đây là thị trường khó tính, bởi vậy một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn mà họ đưa ra, sản phẩm Việt Nam có thể đi đến bất cứ thị trường nào khác trên thế giới.

Từ những tấn vải xuất khẩu “thử nghiệm” năm 2018, 2019 đến khi khối lượng tăng lên 100 tấn (năm 2020), 600 tấn năm 2021 và đến thời điểm này, đơn hàng vải thiều Hải Dương mà Ameii Việt Nam ký với các đối tác Nhật Bản đã lên tới 1.200 tấn, doanh nghiệp này vẫn rất cẩn trọng. "Trước khi ký hợp đồng, đối tác phía Nhật Bản liên tục đặt câu hỏi với chúng tôi rằng chất lượng quả vải có đạt như những năm trước không, bao giờ có thể giao được hàng? Điều đó cho thấy giá thành không phải là vấn đề quan trọng nhất mà phía Nhật Bản quan tâm luôn là chữ tín và chất lượng", ông Tiến chia sẻ. Bởi vậy, sau khi Ameii thu mua nguyên liệu từ người dân, vẫn phải loại bỏ sản phẩm không đạt yêu cầu tới 30 - 40%. Làm ăn với thị trường Nhật Bản là phải đi đường dài!

Luôn làm mới mình để thích nghi

Ít người để ý, Hải Dương còn một loại củ khá nổi tiếng trên thị trường quốc tế, đó là cà rốt. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng, vụ năm 2021-2022, lần đầu tiên tất cả các vùng chuyên canh đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến, 80% sản lượng được sơ chế bảo quản lạnh và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, châu Âu, các nước khu vực Trung Đông...

 

Phát biểu tại lễ hội thu hoạch cà rốt 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao Hải Dương đã chú trọng việc tạo dựng thương hiệu cho từng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.


(Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự Lễ xuất khẩu tấn cà rốt đầu tiên tỉnh Hải Dương năm 2022)

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, cà rốt thường được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...  Năm nay thị trường xuất khẩu chính sẽ là Hàn Quốc. Nếu như mọi năm, phía bạn công khai việc thu mua cà rốt của Trung Quốc trước, sau đó khoảng sau Tết mới thu mua đến cà rốt Việt Nam thì năm nay cà rốt Việt Nam được Hàn Quốc mua ngay từ đầu vụ với giá cao. Hiện Công ty đã ký với các đối tác của Hàn Quốc xuất khoảng 5.000 tấn cà rốt trong năm 2022, tăng 3.000 tấn so với năm 2021. Từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp đang thu mua cho nông dân với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng tiết lộ, cà rốt được ngành, doanh nghiệp và người dân Hải Dương sản xuất theo mô hình hàng hóa tập trung quy mô lớn, tuân thủ chặt chẽ theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu, ứng dụng công nghệ cao. “Đến nay, chúng tôi đã hình thành những cánh đồng lớn trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ những hạt phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt của bất cứ nơi đâu”, ông Thăng chia sẻ.

Vụ đông 2021 - 2022, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha cà rốt, sản lượng ước khoảng 65.000 tấn, tăng trên 7% so với năm 2020. Mùa thu hoạch cà rốt ở Hải Dương năm nay kéo dài đến tháng 4.2022. Giá bán cà rốt hiện tại cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nhờ giá bán cao từ đầu vụ, trừ chi phí, ước tính lãi trên 200 triệu đồng/ha.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Hải Dương đang làm rất tốt quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chỉ tạo ra củ cà rốt nhưng kinh tế nông nghiệp là làm thế nào để củ cà rốt đó mang lại giá trị gia tăng lớn nhất có thể và tư duy kinh tế nông nghiệp là giúp người nông dân làm giàu từ một sản lượng tạo ra như nhau. “Để làm được điều đó, chúng ta cần kích hoạt nhiều giá trị mà trước đó chúng ta chưa tìm đến, ví dụ như chế biến, tạo ra hệ thống sản phẩm phong phú và tiện ích đối với người tiêu dùng”, Bộ trưởng chia sẻ.

(Nguồn: https://daibieunhandan.vn/nong-san-hai-duong-huong-toi-thi-truong-xuat-khau)
"Bạn cũng có thể đọc..."

Copyright © 2018 AMEII CO.,LTD. All Rights Reserved