Mã số vùng trồng là giấy thông hành cho nông sản Việt bay xa

Tháng 08, 2022
Việc xây dựng mã số vùng trồng cho lúa, cây ăn trái không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất an toàn để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành trong cả nước được cấp tổng cộng 4.000 mã số vùng trồng cho

các loại cây ăn trái, với tổng diện tích 300.000ha. Ảnh: Gia Phú.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có quy định bắt buộc trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Ðặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây vốn trước đây được xem là “dễ tính” như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên. Mặt khác, thị trường trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do vậy rất cần đẩy mạnh công tác xây dựng mã số cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái và cây trồng nói chung.

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đến nay đã có 50/63 tỉnh, thành trong cả nước được cấp tổng cộng 4.000 mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái, với tổng diện tích 300.000ha. Các mã số vùng trồng trên được cấp cho các loại cây ăn trái như chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, dưa hấu… Hiện các địa phương vùng ÐBSCL đã được cấp 1.561 mã số vùng trồng cho cây ăn trái, chiếm tỷ lệ hơn 39%. Vùng Ðông Nam bộ có 224 mã số vùng trồng cây ăn trái, chiếm tỷ lệ 5,6%. Tây Nguyên có 168 mã số vùng trồng, chiếm tỷ lệ 4,2%... Ðến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước cũng được cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Trong đó, vùng ÐBSCL được cấp 923 mã cơ sở đóng gói, chiếm tỷ lệ 50%.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Đối với việc cung cấp mã số vùng trồng, theo luật trồng trọt và Nghị định 94, đã giao UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện cấp mã số vùng trồng trồng cho nông sản trên địa bàn. Về phía Bộ NN-PTNT là cơ quan hướng dẫn các địa phương cấp. Đến thời điểm này tại TP Cần Thơ, hiện đã có hơn 60 mã số vùng trồng và gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho nông dân tại các HTX,  Tổ hợp tác và vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần thiết, và đặc biệt có ý nghĩa cho nông dân, HTX hay doanh nghiệp trên địa bàn.

Đối với các vùng sản xuất tập trung ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng định hướng gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sẽ xây dựng theo từng vùng sản xuất tập trung theo quy mô diện tích lớn nhỏ khác nhau. Chẳn hạn chọn cây lúa là cây chủ lực của địa phương cho xây dựng cánh đồng lớn, còn cá tra xây dựng vùng sản xuất tập trung xuất khẩu và khu sản xuất con giống chất lượng cao…

Mã số vùng trồng hướng bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và Global GAP… Ảnh: Gia Phú

Ngoài ra, còn một số đặc sản của từng địa phương nên xây dựng làm vùng nguyên liệu phục vụ cho các sản phẩm OCOP, đi kèm theo đó xây dựng nhãn hiệu và mã số vùng trồng hướng bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và Global GAP…

GIA PHÚ

 

"Bạn cũng có thể đọc..."

Copyright © 2018 AMEII CO.,LTD. All Rights Reserved