Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 11/02/2020 06:10 GMT+7
Ngay khi nhận được thông tin lùi thời gian trao đổi cư dân biên giới từ phía tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra những nhận định và khuyến cáo đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.
Bộ Công Thương cho rằng, không chỉ Quảng Tây mà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự trong bối cảnh diễn biến của dịch đang rất phức tạp. Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp cần có biện pháp điều tiết sản lượng vào thời điểm này, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp để xuất khẩu chính ngạch.
Các doanh nghiệp logistics ưu tiên bảo quản, giảm chi phí lưu kho, vận chuyển, bốc xếp hàng hóa. Các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn.
Tiếp tục xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu tại vùng biên
Tại các cửa khẩu được phép thông quan có kiểm soát, sau gần 1 tuần, hoạt động xuất nhập khẩu đang tiếp tục được xúc tiến. Toàn bộ các xe hàng hóa đều phải tuân thủ nghiêm ngặt về phòng chống dịch như phun độc khử trùng, giao nhận hàng đúng nơi quy định, cách ly người lái xe theo đúng quy trình.
Sau 2 ngày thông quan, tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, đã có hơn 20 xe hàng nông sản được xuất sang Trung Quốc và nhập về hơn 200 xe rau, củ, quả. Còn tại Lạng Sơn, mỗi ngày có khoảng 50 xe nông sản như thanh long, dư hấu, mít… được xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị. Tổng lượng hàng đã thông quan đến nay là khoảng 300 xe. Hiện vẫn còn hơn 350 xe khác đang tắc lại tại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh này.
Trước tình hình xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, các đơn vị chức năng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần lường trước mọi tình huống để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, tránh việc dồn lên cửa khẩu gây ùn ứ và phải chịu thiệt hại.
Chính phủ cũng đã đề nghị các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đẩy mạnh tiêu thụ nhằm hỗ trợ người trồng thanh long, dưa hấu. Nhiều chuỗi phân phối nội địa đã có những động thái thu mua, kết nối với các vùng cây ăn quả lớn, thậm chí chấp nhận không có lợi nhuận để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản nội địa
Nhân viên về tận vườn thu mua với giá gốc và bán lại với giá rẻ, không lợi nhuận cho người tiêu dùng để kích cầu. Đó là cách nhiều hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đang triển khai. Hiện thanh long và dưa hấu được bán ra tại các hệ thống siêu thị Vinmart chỉ với giá 6.900 đồng/kg.
Riêng tại Long An, hiện đang có khoảng 30.000 tấn thanh long đang bị ùn ứ đầu ra. Địa phương này cũng khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ bà con như là kết nối với các chuỗi siêu thị và các doanh nghiệp chế biến tại các địa phương khác trên cả nước.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất tới hơn 1,5 triệu tấn thanh long. Khoảng 80% trong đó là xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc tạm ngưng hoạt động tại nhiều cửa khẩu do dịch đang là áp lực lớn đối với cả người trồng và các cơ quan chức năng.
Cư dân mạng kêu gọi "giải cứu" nông sản tồn vì dịch nCoV
Không chỉ các chuỗi phân phối, nhà bán lẻ mà ngay cả người tiêu dùng cũng đang thể hiện tinh thần, trách nhiệm công động khi tích cực tiêu thụ các mặt hàng trái cây đang gặp khó vì dịch.
Từ hơn 2 tuần nay, các mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi. Không chỉ dừng ở mức kêu gọi, nhiều đầu mối tự phát đã xuất hiện, tình nguyện trở thành các "đội giải cứu" với dưa hấu, thanh long bị tồn do dịch nCoV.
Bất chấp thời tiết mưa, rét ở Hà Nội hay giữa trời nắng, khô của TP.HCM, những hình ảnh thật về các điểm tình nguyện "giải cứu" nông sản liên tục được cập nhật và chia sẻ trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng cảm thông và hỗ trợ thực sự trong cộng đồng.
Trên các Facebook của mình, một số nghệ sĩ cũng tham gia kêu gọi giải cứu nông sản và chia sẻ nỗi nhọc nhằn của người nông dân và thương lái trong đợt này.
Hơn 30.000 tỷ đồng dư nợ được giảm lãi suất cho vay
Số dư nợ của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra sẽ được Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngay từ ngày 11/2 đến hết ngày 30/4.
Lãi suất vay vốn sẽ giảm 1%/năm với các khoản vay ngắn hạn bằng VND; giảm 1,5%/năm đối với trung dài hạn. Riêng với khách hàng vay bằng đồng USD, lãi suất sẽ giảm 0,5%/năm với ngắn hạn và 0,75%/năm với trung dài hạn.
4 nhóm khách hàng được giảm chủ yếu gồm vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn. Đặc biệt, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc gồm nhiều ngành nghề như nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày… cũng là đối tượng được ưu tiên giảm lãi vay. Trước đó, nhiều ngân hàng khác như Agribank, An Bình, HDBank... cũng cam kết giảm lãi suất cho vay, đồng thời, xem xét cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn nợ cho những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch nCoV.
Người dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ngân hàng hạ lãi suất, các doanh nghiệp logistics sẵn sàng giảm từ 10 - 20% phí lưu kho cho các mặt hàng nông sản gặp khó khăn. Sự phát triển bền vững của một DN không chỉ dựa trên khoản lợi nhuận mà họ kiếm được mà còn phải được đặt nền tảng trên trách nhiệm của họ với cộng đồng. Phải chăng, dịch bệnh lần này cũng là một liều thuốc thử cho những trách nhệm đó.