Mới đây, tại diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu, ông Albert Lui - Tổng thư ký Hiệp hội nhà mua Quốc tế - chia sẻ về cách đổi mới kênh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu thực phẩm tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng khoảng 35%. Thực tế, nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh. Song ông cũng chỉ rõ, nguyên liệu thô nhập khẩu phải qua tay nhiều trung gian nên giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc khá cao.
“Chúng ta cần làm thế nào để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến tận tay người sử dụng cuối cùng, như vậy có thể cắt giảm tối đa khâu trung gian”, ông nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Albert Lui cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc thường có thói quen mua hàng theo thương hiệu. Như câu chuyện sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc, người tiêu dùng nước này đã quen với thương hiệu Monthong của Thái Lan hay riêng Musang King của Malaysia. Còn với Việt Nam, sầu riêng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng.
Ngoài vấn đề xây dựng thương hiệu, ông cho rằng cần đồng bộ tiêu chuẩn chung để người dân Trung Quốc hiểu được chất lượng nông sản của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, Bộ NN-PTNT.
“Cách thức tốt nhất để đẩy mạnh kênh xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, là thiết lập các trung tâm xúc tiến thương mại nông sản, từ đó một số vấn đề về khâu tiếp cận thị trường có thể giải quyết được nhanh”, ông Albert Lui gợi ý.
Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2020 giá trị giá nhập khẩu sầu riêng của quốc gia này mới chỉ dừng ở 2,3 tỷ USD, thì năm 2021 đã vọt lên 4,5 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Giá trung bình của sầu riêng tươi tăng từ 4 USD/kg vào năm 2020 lên mức 5,11 USD/kg năm 2021.
Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, các chuyên gia nhận định tương lai của quả sầu riêng sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc.
Hiện, Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, chiếm 40% thị phần. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,51 tỷ USD. Đến năm 2021, do nhu cầu bùng nổ, Thái Lan thu về khoảng hơn 3 tỷ USD nhờ xuất khẩu sầu riêng vào thị trường 1,5 tỷ dân này.