Làm gì để cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan, Malaysia?

Tháng 09, 2022
Để cạnh tranh với sầu riêng từ các nước như Thái Lan, Malaysia thì người trồng sầu riêng phải chuẩn hóa quy trình trồng để có tỷ lệ quả đạt chuẩn cao.

 Khi nhận được thông tin là 1 trong 25 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cảm thấy rất vui mừng vì đã vượt qua được cuộc “kiểm tra” khá ngặt nghèo, chứ không như trước đây nhiều người vẫn nghĩ đây là thị trường dễ tính.

Đến khi tiếp cận, theo Lệnh 248, 249 và chuẩn bị hết các điều kiện cho các cơ sở đóng gói cũng như vùng trồng thì “bản thân Công ty Ameii cảm thấy để xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này là rất khó, không khác gì các thị trường khó tính mà mình đang làm”, bà Hồng chia sẻ.

Hiện tại, Ameii đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để có thể bắt tay vào việc xuất khẩu. Tuy nhiên, thuận lợi cũng có và khó khăn cũng không ít. Có thể nói tới nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc, điều này tạo điều kiện thuận lợi về thị trường đầu ra.

Ameii cũng đang có nhiều đối tác cùng đồng hành kết nối giữa 2 bên khi xuất khẩu sầu riêng chính thức sang Trung Quốc, đặc biệt đưa là vào các hệ thống siêu thị cao cấp.

Ameii Việt Nam là 1 trong 25 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc

Mặc dù đã thực hiện nghiêm các quy trình về khử khuẩn từ phương tiện, trang thiết bị sử dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế, người sơ chế… đến cả các sản phẩm. Nhưng vì là lần đầu tiên đưa sầu riêng sang thị trường này nên Công ty Ameii vẫn lo lắng.

Thậm chí, bà Hồng còn cảm thấy các điều kiện Trung Quốc đưa ra rất chặt chẽ, thậm chí còn không thua gì các thị trường cao cấp, khó tính trong thời điểm hiện nay.

 

“Điều này khiến chi phí tăng lên từ 20 đến 25%, thậm chí có thể lên 30%, ngay cả nguyên liệu hiện cũng đang tăng giá từ khi có thông tin xuất khẩu chính thức”.

Mặc dù các trình tự thủ tục thông quan sang các nước Công ty Ameii đã làm rất nhiều. Nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero-Covid, nên việc giám sát, kiểm soát dịch bệnh với các mặt hàng nông sản đều rất chặt chẽ. Điều này khiến các doanh nghiệp không khỏi lo lắng bởi có thể làm ảnh hưởng tới thời gian thông quan. Và nếu như thời tiết nắng nóng mà thông quan kéo dài thì quả sẽ chín nhanh và khó bảo quản.

Để cạnh tranh với sầu riêng từ các nước như Thái Lan, Malaysia thì người trồng sầu riêng phải chuẩn hóa quy trình trồng để có tỷ lệ quả đạt chuẩn cao. Bên cạnh đó, các khâu chế biến, bảo quản, sơ chế đến chi phí đầu vào… nếu có cơ chế tốt hơn thì sẽ tăng tính cạnh tranh hơn.

Cần phải hoàn thiện quy trình vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn để được cấp mã số vùng trồng. Và đó cũng là một lần để chuẩn hóa lại từ quy trình trồng, chăm sóc, cũng như kiểm soát, giám sát trong quá trình ngăn ngừa sâu bệnh hại, tuân thủ việc sử dụng thuốc trong danh mục được cấp phép.

Khi được cấp mã số vùng trồng tức là chuẩn chỉ, và khi đã chuẩn chỉ thì có sản phẩm đầu ra tốt, từ đó có lợi thế cạnh tranh và gia tăng sản lượng cũng như nâng giá trị nông sản. 

Nhu cầu của người dân trong nước hiện rất cao, vì vậy nếu các quy trình được chuẩn hóa thì khi đó tiêu thụ sẽ tốt và không bị phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu.

Với vai trò là một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, Ameii rất mong bà con nông dân ngày càng thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, ứng dụng nhiều công nghệ cao. Cùng với đó là thực hiện chuẩn chỉnh các quy trình theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, khi đó thì tiêu thụ chắc chắn sẽ tốt hơn, không chỉ trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

Võ Việt - Quang Dũng

"Bạn cũng có thể đọc..."

Copyright © 2018 AMEII CO.,LTD. All Rights Reserved