Hiện nay nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm sầu riêng là rất lớn. Trong khi đó, vùng trồng sầu riêng lớn nhất ở miền Đông của Thái Lan đã hết mùa thu hoạch (tương tự như các vùng trồng sầu riêng ở các tỉnh Đông và Tây Nam bộ của nước ta). Mặc dù nguồn sầu riêng từ miền Nam của Thái Lan hiện vẫn còn, tuy nhiên số lượng và chất lượng đều không vượt trội. Do vậy, đây là thời điểm sầu riêng Tây nguyên có cơ hội chiếm lĩnh thị trường với nguồn cung dồi dào và chất lượng nhìn chung là tốt.
Tại Việt Nam, sau khi sầu riêng được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch thì giá trị của ngành này ngay lập tức gia tăng nhanh chóng, kéo theo sự tham gia của nhiều đơn vị mới, bên cạnh những đơn vị chuyên trồng và tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp đã có từ trước.
Kế đến, mặc dù tổng diện tích sầu riêng hiện nay ở Tây Nguyên rất lớn (hơn 40.000 ha - theo thống kê của Bộ NN-PTNT), tuy nhiên, hầu hết sản lượng đang được thu hoạch lại đến từ các nhà vườn có diện tích nhỏ. Do vậy, để có nguồn sầu riêng xuất khẩu, các đơn vị phải chọn một trong hai (hoặc cả hai) cách: một là ký hợp đồng thu mua vườn sầu riêng từ nhiều nhà vườn và hai là mua lại hàng từ các thương lái chuyên đi gom hàng. Bằng cách nào thì đơn vị xuất khẩu và đội ngũ thương lái đều phải nỗ lực tiếp cận và thuyết phục những nhà vườn bán sản phẩm cho mình, thậm chí khi số trái trên cây chỉ vừa mới đậu và còn chưa thể phân biệt được chất lượng như thế nào.
Nhu cầu của thị trường cao, số người tham gia mua bán gia tăng, nguồn cung chủ yếu từ các nhà vườn có diện tích nhỏ, đó là lý do dẫn đến tình trạng tranh mua sầu riêng của các đơn vị xuất khẩu và thương lái thu mua hiện nay.
Có thể nói, gần như tất cả các đơn vị xuất khẩu sầu riêng đều biết để có thể xuất khẩu hiệu quả, họ cần phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về cả lượng lẫn chất. Một khi sản phẩm ra thị trường gặp vấn đề về chất lượng, chắc chắn đơn vị xuất khẩu đó sẽ bị khách hàng trừ tiền, buộc bồi thường hợp đồng, thậm chí bị tẩy chay. Thế thì lỗi tại đâu mà tình trạng sầu riêng kém chất lượng (non, sượng, thối…) tại thị trường nước ngoài vẫn cứ diễn ra?
Lỗi bởi… ông Trời
Tây Nguyên có lợi thế lớn về thị trường do mùa thu hoạch ở đây lệch vụ so với miền Đông Thái Lan cũng như các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ của Việt Nam. Về chất lượng, người trồng ở Tây Nguyên tin rằng trái sầu riêng của họ có mùi vị thơm ngon hơn sầu riêng ở các vùng trồng khác nhờ vào sự kết hợp giữa việc trồng trên vùng đất đỏ bazan với khí hậu vùng cao.
Tuy nhiên, Tây Nguyên lại có một điểm bất lợi không nhỏ về thời tiết khi mùa vụ thu hoạch nơi đây lại rơi đúng vào thời điểm mà nhạc sỹ Huỳnh Anh từng viết: “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên”. Hạt mưa Tây Nguyên “nhớ ai” chưa biết, chứ sầu riêng mà thu hoạch vào những ngày “mưa triền miên” thì rất dễ bị sượng và thối. Thông thường, các đơn vị xuất khẩu có nguyên tắc là không mua hàng ngay sau những đợt mưa kéo dài. Vấn đề là Tây Nguyên mùa này cứ “sớm nắng chiều mưa”, nếu cứ chờ đến những đợt nắng mới thu hoạch thì sầu riêng trong vườn có nguy cơ bị chín rụng và không thể đóng xuất khẩu.
Vậy phải chăng lỗi bởi… ông Trời?
Lỗi bởi chủ vườn
Trong điều kiện thời tiết đặc thù của Tây Nguyên, vẫn có nhiều chủ vườn giàu kinh nghiệm biết áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đồng thời sẵn sàng hợp tác với người mua để chỉ thu hoạch vào những thời điểm thời tiết thuận lợi, qua đó, góp phần tạo ra những quả sầu riêng có chất lượng cao đến với người tiêu dùng.
Ngược lại, nếu chủ vườn không biết bón phân phù hợp, muốn thúc trái tăng trọng nhanh thì rủi ro trái bị sượng là rất cao. Tệ hơn, khi rơi vào trường hợp trên, một số chủ vườn còn cố tình “ép buộc” các đơn vị có hợp đồng thu mua phải nhận số trái sượng này hoặc sẽ không được trả tiền đặt cọc. Đành rằng trong hợp đồng mua vườn đều có quy định về việc không chấp nhận số trái bị sượng, nhưng trên thực tế, không một đơn vị xuất khẩu nào muốn gõ cửa cơ quan chức năng để nhờ giải quyết tranh chấp với các chủ vườn, vốn đang là chuyện “thường ngày ở huyện” mùa này.
Bên cạnh đó, phần lớn chủ vườn đều muốn thu hoạch xong sớm để vừa có thu nhập vừa tránh tình trạng trái rụng, đồng thời có thể nhanh chóng phục hồi vườn cây nhằm chuẩn bị cho mùa vụ sau. Với tâm lý này, có một bộ phận nhà vườn đã bắt tay với các thương lái hám lợi thu hoạch toàn bộ số sầu riêng trên cây chỉ với một lần cắt, bất chấp số trái trên cây có độ tuổi khác nhau. Tình trạng này được dân trong nghề gọi là “cắt một dao”, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng trái sầu riêng không chín, cơm trái không lên màu, bị chua hay thối khi ra thị trường.
Lỗi bởi thương lái
Đội ngũ thương lái giữ vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng nông sản hiện tại của Tây Nguyên (và cả Việt Nam), khi phần lớn nhà vườn đều có diện tích nhỏ, ở các vùng sâu và khó tiếp cận nếu không phải người địa phương. Khi đó, đơn vị xuất khẩu nào có được sự phục vụ tận tâm của đội ngũ thương lái có năng lực và uy tín, đơn vị đó sẽ có sầu riêng chất lượng tốt.
Tiếc thay, trong một ngành đầy cám dỗ và giá cả biến động bất thường như sầu riêng, tình trạng thương lái cố tình làm sai để tư lợi là chuyện không hiếm. Cụ thể, không ít thương lái đã tiếp tay cho các nhà vườn thiếu trách nhiệm để “cắt một dao” hay thu hoạch vào những ngày mưa, bất chấp chất lượng sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, nhóm thương lái còn chấp nhận thu mua sầu riêng bị sượng, có thể do áp lực từ những nhà vườn có hợp đồng thu mua từ trước. Đến bước này thì cả một dây chuyền lỗi nhịp cứ thế diễn ra: nhà vườn cấu kết hoặc ép thương lái, thương lái qua mặt chủ đơn vị xuất khẩu, còn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là chuyện… hạ hồi phân giải.
Lỗi bởi đơn vị xuất khẩu
Thông thường, các đơn vị xuất khẩu sẽ kiểm soát chất lượng sầu riêng tại đơn vị mình bằng việc tuyển dụng một nhóm công nhân chuyên gõ và nghe âm thanh phát ra để xác định tuổi trái. Khi cần, nhóm “thợ gõ” này có thể cắt thử một số trái mẫu để kiểm tra màu sắc, hàm lượng tinh bột, độ chắc hay sượng của thịt trái. Nói chung, chất lượng sầu riêng được nhập vào các cơ sở đóng gói được quyết định bởi nhóm này.
Từ lâu, các công ty xuất khẩu nông sản chuyên nghiệp đã hình thành cho mình một số nhóm thương lái và “thợ gõ” có năng lực, tâm huyết và trung thành, giúp họ chọn lựa, phân loại và đóng gói xuất khẩu những trái sầu riêng đủ tuổi, cơm ngon, đồng thời, loại bỏ những trái có nguy cơ non, sượng hay thối.
Trong khi đó, những đơn vị mới vào ngành thường tuyển dụng “thợ gõ” từ những cơ sở đóng gói khác, trong đó không phải ai cũng có năng lực và trung thực với người chủ mới của mình. Trong nhiều trường hợp, vì tư lợi, nhóm thợ gõ này sẽ cố tình chọn cả những trái bị sượng hoặc non để phân loại vào chuẩn xuất khẩu. Nếu người chủ đơn vị không đủ năng lực để kiểm soát thì số sản phẩm kém chất lượng này sẽ được xuất khẩu, mang đến thiệt hại cả về kinh tế lẫn uy tín cho chủ đơn vị xuất khẩu, khách hàng và rộng hơn là hình ảnh của ngành sầu riêng Việt Nam. Điều đáng nói, sau một vài chuyến hàng thất bại như thế, nhóm “tân binh” này sẽ nhanh chóng rời khỏi thị trường sầu riêng, để lại nỗi “sầu” cho “riêng” những người làm nông nghiệp có tâm.
Câu trả lời là có!
Ngành xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan đi trước Việt Nam nhiều năm, chất lượng sản phẩm của nước bạn hiển nhiên có phần tốt hơn. Tuy nhiên, Thái Lan giống Việt Nam ở một điểm là hầu hết những nhà vườn sầu riêng đang cho thu hoạch đều có quy mô nhỏ, đồng thời chuỗi cung ứng ngành sầu riêng nước bạn vẫn là sự tham gia của người nông dân, thương lái, đơn vị thu mua xuất khẩu, đơn vị vận chuyển, khách hàng và người tiêu dùng ở thị trường tiêu thụ. Tương tự như Việt Nam, một khi giá sầu riêng trên thị trường tăng cao, tình trạng “cắt một dao” hay thu hoạch trái non, sượng ở Thái Lan vẫn diễn ra phổ biến. Hiện nay, nếu như người Việt đang lo lắng về việc trái sầu riêng ra thị trường gặp tình trạng non, sượng, thối… thì người Thái cũng đang sốt vó với tình trạng sầu riêng của miền Nam nước này vừa bị phát hiện có sâu đục quả ở Trung Quốc, dấy lên quan ngại về việc Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan.
Có thể nói, dù ở Việt Nam hay Thái Lan, bên cạnh niềm vui được mùa trúng giá thì mỗi nơi đều có những nỗi “sầu” rất “riêng” với loại trái cây tỉ đô của mình.
Các giải pháp của người Thái cho những nỗi “lo gần”
Để bảo vệ uy tín của ngành sầu riêng của nước mình, nhiều năm qua, Chính phủ và cơ quan quản lý nông nghiệp Thái Lan đã áp dụng nhiều giải pháp mà chúng ta có thể tham khảo.
Một, thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo và các lớp đào tạo có cấp chứng chỉ về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, kỹ thuật nuôi trái, thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản với đối tượng được đào tạo là các chủ vườn, thương lái, thợ phân loại và những đơn vị xuất khẩu sầu riêng.
Hai, tăng cường các hoạt động tuyên truyền để các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt là khi loại trái cây này đang phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Ba, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập những đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình làm sai của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng. Quyết liệt hơn, Thái Lan có một lực lượng “móng diều” chuyên làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng non hay sượng. Gần đây, một số chuyên gia Việt Nam đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần học theo cách làm này của người Thái để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt những đơn vị xuất khẩu sầu riêng kém chất lượng. Tuy nhiên, để có thể làm được như vậy, chúng ta cần có một đội ngũ quản lý chất lượng được đào tạo đầy đủ kiến thức và kỹ năng của ngành sầu riêng, đồng thời phải có một hệ thống đánh giá minh bạch để lực lượng này có thể thực thi nhiệm vụ một cách chính xác và khách quan. Nếu không, sẽ dễ xảy ra tình trạng “xin cho”, nhũng nhiễu, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị xuất khẩu gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, bên cạnh những giải pháp mang tính ứng phó, chúng ta cũng nên để cơ chế thị trường tự điều tiết. Rồi đây, những người tham gia vào ngành như một kiểu “lướt sóng” sẽ sớm thất bại và rời cuộc chơi, trả lại không gian lành mạnh cho những người làm nông nghiệp thực sự. Dù những “con sâu” này ít nhiều đang “làm rầu nồi canh”, nhưng người tiêu dùng sẽ đủ sáng suốt để biết nên chọn mua trái sầu riêng ngon từ những đơn vị nào.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” – giữa lúc thị trường sầu riêng đang ít nhiều có sự “loạn” thì hơn bao giờ hết, những người làm nông nghiệp thực sự cần phải “tỉnh”. “Tỉnh” để có thể “nhìn xa” với những thách thức và cơ hội còn lớn hơn ngay phía trước.
Đâu là thách thức lớn cần phải “liệu xa”?
Tựu trung lại, tất cả hành vi lệch chuẩn của những chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng hiện nay đều bắt nguồn từ một điểm chung: đó là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có quy trình chuyên nghiệp, nơi mà phần lớn sản lượng sầu riêng đến từ các nhà vườn có diện tích nhỏ lẻ. Các giải pháp mang tính ứng phó, vì vậy, cũng chỉ phục vụ cho những nỗi “lo gần”. Thách thức lớn hơn ở đây là trong bối cảnh diện tích sầu riêng cả vùng Đông Nam Á không ngừng gia tăng, thị trường sầu riêng sẽ diễn biến như thế nào một khi các trang trại sầu riêng có quy mô hàng chục đến hàng trăm nghìn ha của những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác (đã được trồng trong những năm qua) đến thời kỳ thu hoạch?
Khi đấy, chắc chắn nhu cầu và giá trị ngành sầu riêng sẽ không ở mức còn cao như hiện tại, thậm chí sẽ có thời điểm xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, theo quy luật thị trường, chắc chắn chỉ có những sản phẩm có mẫu mã đẹp, phẩm chất ngon giá hợp lý, được tiếp thị chuyên nghiệp thì mới được khách hàng chấp nhận. Phần lớn sản phẩm như thế sẽ đến từ các trang trại lớn, nơi có quy trình canh tác và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm bài bản. Ngành sầu riêng lúc này sẽ là sân chơi của những doanh nghiệp và trang trại lớn trên toàn khu vực Đông Nam Á, thế còn một lượng sản phẩm khổng lồ khác nhưng có chất lượng bấp bênh từ rất nhiều các nhà vườn nhỏ thì sẽ về đâu?
Khi thách thức chính là cơ hội
Ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội. Chìa khóa trong trường hợp này có tên “liên kết”. Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng cho bằng được những liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp có vùng trồng và thị trường lớn với hàng trăm nghìn nông hộ có diện tích nhỏ. Thông qua đó, các doanh nghiệp lớn sẽ là đầu tàu để kéo một chuỗi các toa là những nông hộ nhỏ cùng tiến về một điểm chung mang tên chất lượng và định hướng thị trường.
Tuy nhiên, để xây dựng được các liên kết như vậy, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và các hộ nông dân có tầm nhìn, còn rất cần vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết.
Hiện nay, chúng ta có Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, những ưu đãi theo Nghị định này vừa chưa đủ lớn để tạo được sức bật, vừa khó tiếp cận trong thực tế. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những chính sách với các hình thức ưu đãi hiệu quả hơn, chẳng hạn như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp cho những doanh nghiệp có hoạt động liên kết nông hộ. Khi ấy, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sẽ có một khoản thặng dư đủ lớn để chi trả thêm cho việc đào tạo, chuyển giao, tư vấn và bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo ra các lợi ích thiết thực để giữ các nông hộ trong chuỗi liên kết.
Một khi ngành sầu riêng Việt Nam hình thành nên những liên kết hiệu quả như vậy, chúng ta không chỉ giải được bài toán về chất lượng và thị trường tiêu thụ cho hàng trăm nghìn ha sầu riêng của các nông hộ nhỏ, mà còn giúp ngành sầu riêng của Việt Nam có đủ cả chất và lượng để cạnh tranh với các quốc gia trồng sầu riêng khác ở Đông Nam Á. Đó cũng chính là giải pháp căn cơ đưa ngành sầu riêng Việt Nam đến với cơ hội “đi sau về trước”.