Vải thiều Thanh Hà khả năng được mùa

Tháng 04, 2023
Thời tiết mùa đông xuân 2022 - 2023 hanh khô, rét đậm kéo dài... tạo điều kiện tốt cho quả vải ra hoa và đậu quả với tỷ lệ trên 95%, dự kiến được mùa

 

Chuẩn bị sớm các kịch bản tiêu thụ

Ngày 26/4, UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương), tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các sở, ban ngành tại địa phương và đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, các sàn thương mại điện tử...

(Năm nay, vải thiều Thanh Hà đậu quả sai, dự kiến được mùa lớn. Ảnh: TL.)

Trong suốt chiều dài lịch sử, sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc sản vải Thanh Hà đã chinh phục được trái tim của đông đảo người tiêu dùng trong nước và được bạn bè quốc tế đón nhận.

Bởi lẽ đó, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Hà đã xác định chủ trương, định hướng về phát triển sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực của huyện, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều tại các vùng có lợi thế về thổ nhưỡng thuộc các xã khu Hà Đông, Hà Nam, chỉ đạo sản xuất các loại cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp tốt (GAP).

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Hà đã bám sát Đề án “Phát triển sản xuất hóa tập trung định hướng nông nghiệp hàng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030" của tỉnh Hải Dương; Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, gắn với du lịch sinh thái xuất khẩu" của huyện Thanh Hà. UBND huyện Thanh Hà cũng đã ban hành các kế hoạch sản xuất cây ăn quả, quảng bá, xúc tiến thiêu thụ vải thiều; phân công trực tiếp nhiệm vụ cho các đơn vị phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn giám sát, thực hiện.

Theo UBND huyện Thanh Hà, năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi, thời tiết mùa đông xuân 2022 - 2023 khá thuận lợi, hanh khô, có rét đậm kéo dài nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả rất cao. Vì vậy, vụ vải năm 2023 được đánh giá sẽ được mùa. Đến nay, diện tích vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP của toàn huyện đạt khoảng 500ha, trong đó có 400ha vải VietGAP và 50ha vải GlobalGAP còn hiệu lực chứng nhận. Năm 2023, toàn huyện dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP cho khoảng 200ha vải.

Ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hùng.

Theo ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, đến nay, 100% diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện đã quy hoạch và thực hiện 39 vùng trồng với diện tích 450ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng, Vĩnh Lập, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Sơn, Thanh Khê.

Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Trong đó có 45 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc; 40 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Úc; 36 mã số vùng trồng xuất khẩu Nhật Bản; 39 mã số vùng trồng xuất khẩu Hoa Kỳ; 8 mã số vùng trồng xuất khẩu Thái Lan.

Năm 2023, huyện tiếp tục duy trì các mã số vùng trồng, đồng thời hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới mã số cơ sở đóng gói, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu vải sang thị trưởng Trung Quốc.

 Hiện tại, vải u trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi; vải u hồng, u thâm, tàu lai, thiều chính vụ đang giai đoạn quả non. Dự tính, sản lượng vải năm nay toàn huyện đạt khoảng 40 nghìn tấn (vải sớm 25 nghìn tấn, vải chính vụ 15 nghìn tấn), tương đương với sản lượng vải niên vụ 2021 - 2022. 

Năm nay, dự kiến khoảng 4.000 - 5.000 tấn vải thiều Thanh Hà đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dự kiến, thời gian thu hoạch các trà vải năm 2023 của huyện Thanh Hà như sau: Vải U trứng trắng bắt đầu thu từ nửa cuối tháng 5/2023; vải u trứng gai bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 5/2023; vải u hồng, u thảm bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 6/2023; vải Tàu lai bắt đầu thu từ giữa tháng 6/2023; trà vải thiều chính vụ bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 6/2023.

Như vậy, vào khoảng giữa tháng 6/2023, khả năng sẽ có cả 3 giống vải cùng cho thu hoạch là u hồng, Tàu lai và vải thiều chính vụ. Do sản lượng thu hoạch lớn, dồn dập, có khả năng sẽ tạo áp lực lớn trong việc tiêu thụ vải.

Kỳ vọng rộng đường đến với thị trường cao cấp

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Ameii Việt Nam, để đưa quả vải đến được thị trường cao cấp, công ty đã có những chuẩn bị kỹ càng về xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm vải thiều.

Ông Tiến cũng cho biết, vụ vải năm nay, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu tối đa cũng như đưa được nhiều nhất sản phẩm vải thiều đến các thị trường cao cấp.

"Qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của vải thiều cũng như các sản phẩm nông sản khác. Mỗi khi xúc tiến xuất khẩu, chúng tôi luôn lấy giá trị văn hóa của sản phẩm cũng như giá trị của nông dân để làm công tác xúc tiến. Chúng tôi mong muốn không chỉ giới thiệu quả vải thiều đến bạn bè quốc tế mà ở đó còn là các giá trị văn hóa”.


Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Ameii Việt Nam. Ảnh: Lâm Hùng.

Cũng theo ông Tiến: “Những thị trường cao cấp trước nay vẫn được gọi là “khó tính”, nhưng thực tế qua làm việc, trải nghiệm, những thị trường này không khó. Thậm chí, những thị trường này rất yêu thích quả vải Việt Nam, đặc biệt là vải Thanh Hà. Tuy nhiên khi tham gia, tiếp cận những thị trường này, phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn mà các thị trường này đã đặt ra.

Vải thiều chủ yếu vẫn được sản xuất theo phương thức truyền thống, chưa đạt được sự tin tưởng và ổn định đối với các thị trường này. Tôi bày tỏ mong muốn được cùng với bà con nông dân, các sở ban ngành để cùng tạo ra một sản phẩm có giá trị cao. Do đó cần có một chiến lược lâu dài và ổn định”.

 Trước vụ thu hoạch vải sắp tới, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc tính, ưu điểm nổi trội của quả vải thiều Thanh Hà; về diện tích cây trồng, năng suất, sản lượng, quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải thiều cũng như các quy định trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý "Thanh Hà" đối với sản phẩm vải thiều, các quy định sản xuất vải thiều đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; quy trình sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy định, đảm bảo xuất khẩu...

Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ sản xuất nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà năm 2023. Ảnh: Lâm Hùng

Đồng thời, huyện cũng đã sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trong nước, tập trung phối hợp với các trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, các khu công nghiệp...

Vụ vải thiều năm nay, huyện Thanh Hà cũng sẽ tiếp tục tổ chức Tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; tổ chức các đoàn tham gia xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương trên trục cao tốc phía đông và Nghệ An hoặc Thanh Hoá; một số thành phố, cửa khẩu... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo của huyện gắn với quả vải thiều như du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống.

 Ngoài ra, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, đơn vị thu mua vải, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Quang, Thanh Cường bố trí bãi đỗ xe rộng, có các điểm tập kết thu mua vải tập trung; hệ thống đường giao thông được nâng cấp mở rộng tạo thuận lợi trong lưu thông.

Huyện Thanh Hà hiện đã có 168 mã số vùng trồng được cấp để phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ảnh: TL.

Tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu còn nhiều khó khăn

Theo UBND huyện Thanh Hà, bên cạnh cơ hội, vụ vải năm nay cũng đứng trước nhiều thách thức như: Thời gian thu hoạch vải ngắn, đặc biệt là trà vải chính vụ quả chín nhanh, thu hoạch dồn dập, trong khi quả vải khó bảo quản trong thời gian dài, các cơ sở chế biến còn ít, các giải pháp kỹ thuật trong bảo quản và chế biến còn hạn chế...

Vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có các yêu cầu rất nghiêm ngặt từ quy mô đến quá trình sản xuất (bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại), tuy nhiên, diện tích vải trên địa bàn còn manh mún, ý thức của nhiều hộ dân về sản xuất an toàn còn chưa được chú trọng, vì vậy rất khó khăn trong chỉ đạo, thực hiện.

Giá cả một số loại vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân không mạnh dạn đầu tư chăm sóc nhiều cho cây vải, có tâm lý sợ thua lỗ. Trong khi đó, nhà nước chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng vải.

Dự báo là một năm vải được mùa, nhưng đến hiện tại các liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa được kết nối, các hợp đồng tiêu thụ nông sản chưa được ký kết. 

Thị trường tiêu thụ vải thiều (đặc biệt là vải thiều sớm) phần lớn là thị trường Trung Quốc, tuy nhiên hiện phía bạn có những đòi hỏi khắt khe hơn về cơ sở vùng trồng, cơ sở đóng gói, do vậy sẽ khó khăn cho việc đưa sản phẩm vào thị trường này.

Huy Bình - Lâm Hùng

 

"Bạn cũng có thể đọc..."

Copyright © 2018 AMEII CO.,LTD. All Rights Reserved