Tại vựa trồng cà rốt huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đang tập trung chăm sóc trà cà rốt chính vụ. Tuy nhiên, đa phần họ đều kém vui khi trà cà rốt sớm thất thu.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cẩm Giàng cho biết: Diện tích cà rốt trên địa bàn toàn huyện khoảng 500 ha. Thời điểm đầu vụ, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, thời tiết mưa kéo dài khiến gần 180 ha cà rốt trên địa bàn 2 xã Cẩm Văn, Đức Chính bị hư hại, trong đó có 50 ha phải trồng lại.
“Năm nay, người dân không được thu trà cà rốt sớm, số diện tích hư hại, phải gieo trồng lại ước tính thiệt hại trung bình 4 triệu đồng/sào (chưa tính công chăm sóc)”, ông Thiện cho hay.
Bà Phạm Thị Suốt, thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) chia sẻ, thời điểm đầu vụ, mưa kéo dài nên hầu như gia đình nào cũng bị thiệt hại trà cà rốt sớm. Riêng gia đình bà có hơn 4 sào cà rốt bị sụt luống, thối rễ phải trồng lại. Ảnh: Trung Quân.
Tại vùng trồng cà rốt tập trung ở xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: Trong niên vụ 2021 - 2022, diện tích trồng cà rốt của HTX là 380 ha, ngoài ra người dân trong xã còn đi thuê đất ở các địa phương khác ở phía Bắc với diện tích trồng 1.200 ha.
Sau khi xuống giống tra cà rốt sớm, thời tiết mưa kéo dài khiến hơn 100 ha bị sụt luống, hỏng rễ. Những diện tích không bị ảnh hưởng cây cũng chậm phát triển hơn so với bình thường.
Bà Phạm Thị Suốt, thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) trồng 1,2 mẫu cà rốt chia sẻ: Vụ cà rốt năm nay, hầu như gia đình nào cũng bị thiệt hại trà cà rốt sớm do gặp phải thời tiết mưa nhiều. Riêng gia đình bà có hơn 4 sào cà rốt bị sụt luống, thối rễ phải trồng lại. Hiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình bà đang tích cực khôi phục, tỉa cây, chăm sóc những diện tích bị ảnh hưởng để bắt kịp với khung thời vụ.
Cũng theo bà Suốt, với thời tiết thuận lợi như hiện tại, cà rốt chính vụ đang phát triển tốt, dự báo cho năng suất như mọi năm. Tuy nhiên, nhiều diện tích cây con bị ảnh hưởng sẽ tốn kém thêm chi phí, công chăm sóc hơn so với thông thường.
“Chỉ mong từ giờ tới cuối vụ, thời tiết thuận lợi cho trà chính vụ phát triển tốt thì mới có thu nhập. Chứ cứ như trà cà rốt sớm thì bao nhiêu công sức, tiền của phút chốc trôi theo dòng nước. Dịch bệnh đã khó khăn rồi, mà mất mùa nữa thì không biết phải xoay trở thế nào”, bà Suốt bộc bạch.
Cũng theo ông Thiện, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, rút kinh nghiệm về sản xuất, lưu thông, tiêu thụ cà rốt niên vụ 2020 - 2021, niên vụ năm nay, từ rất sớm UBND huyện Cẩm Giang đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương… lên phương án tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu cây vụ đông nói chung, cà rốt nói riêng.
Theo đó, năm nay diện tích trồng cà rốt tăng nhưng không đột biến, với diện tích hơn 500 ha, sản lượng cà rốt dự kiến hơn 20.000 tấn. Nếu thời tiết, tiêu thụ thuận lợi, người dân tiếp tục mở rộng diện tích trà cà rốt muộn thì sản lượng có thể tăng thêm.
Về tiêu thụ, theo ông Thiện, dự báo tình hình tiêu thụ, giá bán sẽ thuận lợi, không có biến động so với năm trước. Năm nay, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, các vùng trồng cà rốt trên địa bàn huyện sẽ tập trung đảm bảo chất lượng để xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Tây Á, EU…
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho hay: Hiện công tác khôi phục các diện tích cà rốt hư hại đã được người dân tiến hành xong, không có diện tích nào bị bỏ trống. Thời tiết thuận lợi nên tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây con nhanh, đảm bảo đúng khung thời vụ và dự kiến vẫn đạt sản lượng như mọi năm.
Cũng theo ông Thuật, trên cơ sở những đánh giá về thời tiết, thị trường của các cơ quan chức năng, vụ cà rốt năm nay có nhiều điều kiện thuận lợi về tiêu thụ, nhất là xuất khẩu, cụ thể:
Thời gian vừa qua, do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn. Bên cạnh đó, thời tiết mưa kéo dài đầu vụ đông, khiến nguồn cung các mặt hàng rau giảm mạnh, nhiều địa phương sản xuất chỉ đủ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội cho những địa phương có truyền thống sản xuất rau vụ đông như Hải Dương mở rộng diện tích, tăng nguồn cung. Chính vì vậy, HTX đã khuyến khích người dân tích cực tăng diện tích cây vụ đông, trong đó có cây cà rốt.
Trong niên vụ cà rốt 2021-2022, Sở NN-PTNT Hải Dương đã hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cà rốt đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 120 ha trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (xã Đức Chính 50 ha, Cẩm Văn 70 ha) nhằm phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc
Ngoài ra, theo thông tin nắm được, Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nguồn cung cà rốt với Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo thời tiết trong những tháng cuối năm, tỉnh Phúc Kiến (nơi trồng nhiều cà rốt và có khung thời vụ trùng với vụ cà rốt tại Hải Dương) sẽ có các đợt rét đậm, rét hại, băng giá, điều này là điều kiện bất lợi trong canh tác cà rốt, dự báo nguồn cung sẽ bị sụt giảm. Chính vì vậy, nhận định đây sẽ là cơ hội để cà rốt Hải Dương đẩy mạnh tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, với tâm thế không chủ quan, đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng cà rốt, chính quyền địa phương, HTX đã khuyến cáo người dân tiến hành trồng rải vụ phân thành 3 trà để tránh thu hoạch tập trung, mở rộng các diện tích cà rốt theo hướng VietGAP, đảm bảo theo yêu cầu xuất khẩu...
(Nguồn: https://nongnghiep.vn/ca-rot-hai-duong-rong-duong-xuat-ngoai-d309166.html)